Mục lục bài viết
Đang học ngành chế tạo máy Đại học Giao thông – Vận tải, anh Triệu Quang Trung (thôn Thanh Sơn, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) bất ngờ quyết định bỏ học, “rẽ ngang” làm nông dân. Giờ đây, anh đã thành ông chủ nhà máy sản xuất nấm theo công nghệ cao Hàn Quốc, mỗi năm cho doanh thu gần 40 tỷ đồng.
Bỏ đại học, sang xứ người học trồng nấm sạch
Năm 1994, anh Triệu Quang Trung đỗ ngành chế tạo máy của trường đại học Giao thông Vận tải. Học đến năm thứ hai, anh được một người quen chia sẻ về làm nấm vi sinh công nghệ cao. Như khơi dậy niềm đam mê về các loại nấm, anh Trung quyết định bỏ học và quyết tâm lên đường sang xứ người. Sau khi tìm hiểu từ người thân và qua sách báo, tháng 9/1994, anh rẽ hướng sang học hệ thực tập sinh 4 năm tại Hàn Quốc chuyên ngành vi sinh, nấm ăn, nấm dược liệu thuộc khoa Vi sinh, trường đại học Konkuk (Hàn Quốc). Anh nói: “Khi đó, tôi nghĩ khoảng 10 – 15 năm sau, ngành nấm vi sinh công nghệ cao sẽ rất phát triển, nên bản thân quyết định đầu tư vào học”.
Thời gian đầu đặt chân lên xứ lạ, đến nói tiếng Hàn còn chưa thành thạo, anh vừa phải lo bắt nhịp được việc học, vừa phải làm thêm để có tiền trang trải nên khá vất vả. Sau nhiều đêm trăn trở, cuối năm 2004, anh Trung quyết định xin nghỉ việc về nước để gây dựng một nhà máy sản xuất nấm sạch quy mô công nghiệp như Hàn Quốc để phục vụ người dân Việt Nam.
Mỗi ngày anh Trung đều tự kiểm tra sự sinh trưởng của những cây nấm.
Càng trồng càng lỗ
Những ngày đầu trở về nước chính là những ngày đầy trăn trở, khi đi thăm các siêu thị lớn và các chợ dân sinh ở đất nước mình, anh nhìn thấy cả thị trường Việt Nam chưa có một cơ sở nào sản xuất, nuôi trồng nấm sạch.
Ý nghĩ táo bạo với số vốn đầu tư khổng lồ đeo đẳng, anh Trung quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình. Đến năm 2014, tích cóp được 26 tỷ đồng, anh bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất nấm theo công nghệ Hàn Quốc với quy trình khép kín, diện tích 2.400 m2 ở thôn Thanh Sơn (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội).
“Nhớ nhất là những năm 2015-2016, tôi gần như khủng hoảng vì quá trình sản xuất bị hỏng, nấm mốc gần như toàn bộ, chiếm đến 95%. Lý do là nguồn nguyên liệu đầu vào (mùn cưa, cám gạo, lõi ngô, hạt bông) không đạt tiêu chuẩn, độ ẩm quá cao, bảo quản không tốt… Tình trạng này kéo dài suốt 2 năm trời, khiến tôi thiệt hại tới 2-3 tỷ đồng mỗi năm. Lúc đó cảm thấy chán nản lắm vì càng trồng càng lỗ. Nhiều lúc thất vọng cùng cực, song nghĩ mình đã dồn tất cả tâm huyết, công sức, vốn liếng vào nhà máy rồi, như người cưỡi trên lưng hổ, không thể bỏ giữa chừng được”, anh Trung bồi hồi nhớ lại.
Trong 2 năm đầu gian nan ấy, để tìm thị trường cho nấm, anh Trung mang từng cây đi giới thiệu, trưng bày ở các đại lý, siêu thị, nhà hàng, khu chung cư. Ban đầu, nhìn những cây nấm đùi gà, nấm sò yến, nấm ngọc châm to trắng, mập mạp, nhiều người nghi ngờ nấm đẹp như vậy chỉ là hàng Trung Quốc. Vì thế, cho họ nấm dùng thử, tặng miễn phí họ cũng không nhận.
Nấm được chăm sóc, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, không bị chi phối bởi yếu tố nhiệt độ, thời tiết, không sâu bệnh,…
Tiền tỷ đổ về, nấm hái không kịp bán
Thất bại nhiều lần cũng làm cho anh kiên cường hơn, vẫn cố gắng vẫn đam mê, thua keo này, bày keo khác, anh cứ dần dần đưa vào thị trường sản phẩm nấm sạch, cần sự cảm nhận của khách hàng, hơn là việc quảng cáo, rồi công sức của anh cũng không bị phụ, khách hàng đến với anh ngày một nhiều hơn…
Anh Trung chia sẻ, so với những mô hình sản xuất nấm truyền thống, nấm sản xuất theo phương thức công nghiệp cho sản lượng và chất lượng đồng đều hơn. Bởi quy trình sản xuất được xây dựng hoàn toàn khép kín, từ công đoạn trộn, ủ nguyên liệu, cấy giống, ươm sợi tới nuôi trồng và thu hoạch.
Nấm được chăm sóc, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, không bị chi phối bởi yếu tố nhiệt độ, thời tiết, không sâu bệnh,… chỉ cần duy trì môi trường nhân tạo ở nhiệt độ 18 – 20 độ C, phun sương tạo độ ẩm 85 – 90%.
Nấm được chăm sóc, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, môi trường nhân tạo ở nhiệt độ 18 – 20 độ C, phun sương tạo độ ẩm 85 – 90%.
Mỗi mẻ nấm gồm có 5 giai đoạn rất kỳ công: Chuẩn bị nguyên liệu, trộn nguyên liệu; hấp thanh trùng; cấy giống; đưa vào ngâm sợi; đưa ra nuôi trồng. Trong đó, khâu đầu tiên là quan trọng nhất, quyết định 90% sự thành công của một mẻ nấm. Đối với nấm ăn loại ngắn ngày, từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch là 45 ngày, loại dài ngày nhất là 100 ngày.
Nhà máy của anh Trung hiện cung cấp khoảng 330 tấn nấm/năm, cho doanh thu từ gần 40 tỷ/năm
Hiện nay, xưởng sản xuất của anh Trung nuôi trồng chủ yếu loại nấm gồm: Sò yến, đùi gà, ngọc châm, nấm sò NoTaKy, nấm hương tươi, nấm sừng hươu, đông cô và linh chi, với sản lượng trên 800kg/ngày. Đến nay, diện tích trang trại nấm của anh đã lên đến 7.000m2 với sản lượng đạt hơn 300 tấn/năm. Sản xuất dần đi vào ổn định, lượng khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm nấm ngày một tăng.
Ngoài bán lẻ, anh Trung còn cung cấp cho các đại lý, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng ở nhiều tỉnh thành. Hiện nay anh trung còn hợp tác với một số tập đoàn lớn, các công ty về thực phẩm và mở rộng nhà máy sản xuất nấm ở Bắc Ninh do sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Với những thành quả đạt được trong những năm vừa qua, anh Triệu Quang Trung được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020. Hiện nay, sản phẩm nấm sạch của anh Trung đã được chứng nhận 4 sao OCCOP của TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, anh cũng đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và độc quyền nấm yến tại Cục Sở hữu trí tuệ.