Site icon DanVietMedia

Hà Nội: Tỷ phú “chân đất” tuổi 30 – Khởi nghiệp từ nghề trồng hoa truyền thống

Ở “thủ phủ” trồng hoa Mê Linh lớn nhất miền Bắc, anh Nguyễn Xuân Trường (xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) được biết đến là tỷ phú “chân đất”. Điều đặc biệt được thể hiện ở chỗ, anh là người đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Mê Linh tự sản xuất được cây giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Dám nghĩ dám làm – Trở thành tỷ phú khi chỉ mới 31 tuổi

Hiện nay, anh Trường cùng bố là ông Nguyễn Xuân Tình đang có một cơ sở nuôi cấy mô tế bào với số vốn đầu tư ước tính khoảng hơn 1 tỷ đồng. Mô hình cấy mô tế bào thực hiện trên các giống hoa Cúc, hoa Đồng Tiền, hoa Hồng, hoa Cẩm Chướng, Hoa Lan và Dâu Tây, trong đó hoa Cúc là chủ lực. Với 7 kỹ sư và 02 nhân viên đang làm việc trực tiếp tại cơ sở nuôi cấy mô, hàng năm anh đưa cây từ trong phòng mô ra ngoài môi trường tự nhiên, tiêu thụ hàng triệu cây giống hoa chất lượng cao.

Thời gian đầu gia đình anh mở phòng mô rộng 100m2, vốn đầu tư 300 triệu với đầy đủ thiết bị như tủ cấy vi sinh, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị đầu tư, pha chế. Hiện nay, anh Trường đang áp dụng quy trình này để sản xuất 18 giống hoa. Thông thường, để sản xuất ra giống cây hoa bằng phương pháp này phải mất thời gian khoảng 2 đến 3 năm để tạo ngân hàng phôi, và thêm 3 tháng nữa mới trở thành cây hoàn chỉnh để đưa ra vườn ươm. Tuy nhiên, việc sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô mang lại rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp nhân giống cây trước đây.

Mặc dù ưu việt như vậy nhưng không phải ai cũng có thể sản xuất cây giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô, bởi phương pháp này đòi hỏi nông dân cần đầu tư vốn lớn, và quan trọng nhất là quy trình nuôi cấy mô rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao nên người làm phải làm người nắm vững khoa học kỹ thuật.

Trong khi các kỹ sư tỉ mỉ phát triển con giống, miệt mài với các thiết bị vô trùng, anh Trường liên tục đánh giá và thử nghiệm cây giống ứng dụng ngoài môi trường tự nhiên. Kết quả, anh đã trồng thành công hàng triệu cây hoa cúc tại hai trang trại rộng 3ha ở Mê Linh và 4ha ở huyện Sóc Sơn của gia đình. Trải qua hơn 2 năm dài miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, đầu năm 2014, thành quả lao động của anh Trường cùng những người nông dân đã tạo được một ngân hàng phôi hoàn chỉnh có thể xuất ra hàng chục triệu cây giống các loại. Những cây giống được tách ra nhiều cây giống khác để cung cấp cho thị trường cả nước; hoặc tạo ra thành phẩm là những bông hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền… tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong năm 2018, sản lượng cây giống bán ra thị trường trong nước của gia đình anh Trường đạt 70 triệu cây; ngoài ra còn xuất sang Lào, Trung Quốc… mang lại doanh thu 7 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, gia đình anh đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu hơn 20.000 bông hoa cúc sang thị trường Nhật Bản. “Có thể nói, đây là một bước tiến mới khi sản phẩm hoa của tôi xuất được sang thị trường “khó tính” như Nhật Bản bởi thị trường này luôn đòi hỏi hoa có độ tươi mới, không chất bảo quản. Mặt khác, trong quá trình trồng, cây hoa phải được hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học và kích thích sinh trưởng thì mới đáp ứng được yêu cầu. Biết là khó nhưng với tôi, khó mấy tôi cũng chinh phục được”, anh Trường tự tin nói.

Khủng hoảng vì càng làm càng thất bại

Nhớ lại những tháng ngày vất vả, thất bại, thoảng chút buồn trên gương mặt, anh Trường kể: Nhiều năm trước, bằng niềm đam mê, yêu thích trồng hoa cúc, hồng, thược dược, hoa ly… hàng trăm hộ dân xã Đại Thịnh đã biến vùng đất vốn chỉ thuần màu xanh của lúa và rau màu trở nên đa sắc và trù phú. Thế nhưng, sự chăm chỉ và dám nghĩ, dám làm chưa đủ đem lại thành quả như mong muốn khi năm 2009, hàng nghìn luống hoa bị dịch bệnh hoành hành, cây chết nhanh mà không rõ nguyên nhân. Người dân Mê Linh nói chung và xã Đại Thịnh nói riêng đã hứng chịu sự thất bại không nhỏ, hàng triệu cây giống đã chết, hàng trăm hộ trồng hoa bị mất trắng tiền vốn, hộ ít thì mất dăm chục triệu, hộ nhiều thì vài trăm triệu đồng.

“Vốn liếng của gia đình tôi từ đời cha ông tích cóp, nay đem chuyển hướng sang hoa, nhưng trồng đến đâu cây chết đến đó. Điều này thực sự là bế tắc!”, anh Trường nhớ lại. Bần thần trước những ruộng hoa úa tàn, anh nghĩ, nếu tiếp tục trồng hoa theo phương thức cũ sẽ lại mất mùa, tiền của tiếp tục “đội nón” ra đi. Bởi căn nguyên là người nông dân chỉ biết trồng hoa theo kỹ thuật cũ, lạc hậu, canh tác một loại hoa trên cùng diện tích, hàng chục năm không đổi, khiến các loại sâu, bệnh trên cây kháng thuốc. Trong khi đó, do sử dụng phân bón, phân hóa học nhiều, lâu ngày đất bị chai lì, độ pH thấp, khiến dịch bệnh trên cây nhiều hơn. “Thay đổi phương thức canh tác và thay đổi giống cây, đó là hai phương án không thể không thực hiện lúc này. Nghĩ là làm, tôi cùng gia đình bắt tay vào phương thức trồng cây mới: Trồng hoa 2-3 vụ (mỗi vụ 2-3 tháng), luân phiên trồng 1 vụ lúa, hoa màu để thay đổi đất trồng, sau đó trồng hoa trở lại. Đồng thời, thực hiện phương án hai là áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào trồng hoa, nghiên cứu sản xuất cây giống”, người con của làng hoa hồ hởi khoe.

Nói về khởi nguồn cho sự thành công của mình, anh Trường cho biết, năm 2010, anh quyết định vào Đà Lạt để có thể học hỏi kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây hoa giống ở đây. Bước đầu, anh đầu tư 200 triệu đồng mua cây giống từ Đà Lạt và Trung Quốc để mang về thí điểm, trồng tại đất Mê Linh. Tuy nhiên, sau thời gian trồng cây giống mới, anh Trường nhận ra năng suất, chất lượng hoa vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn.

Từ mô hình nuôi cấy mô, anh Trường cho nhân giống và trồng các loại hoa ở các trang trại theo kế hoạch. Sử dụng giống hoa được nhân từ phòng cấy mô mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng giống thông thường, ít sâu bệnh và thân thiện với môi trường. Tại các trang trại của anh Trường, việc trồng, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh từ khâu đầu tiên đến khi thu hoạch bằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: Kiểm soát nhiệt độ vào từng thời điểm sinh trưởng của cây, như áp dụng máy móc vào sản xuất và thành quả nghiên cứu của cây.

Anh Trường cho biết đối với các diện tích trồng giống hoa chất lượng cao thì trên cùng 1 diện tích canh tác sản lượng cao hơn hẳn; lượng phân, phun thuốc cho cây giảm hơn từ 30 đến 50%, nên giá trị tăng vượt trội. Thực tế sản xuất cho thấy hàng năm chỉ tính riêng về lượng phân và thuốc anh sử dụng, không tính đến các chi phí đầu vào khác, anh phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng/01 năm. Nếu dùng giống hoa chất lượng thông thường như các hộ vẫn đang làm thì lượng phân và thuốc hàng năm sẽ lên đến từ 800 triệu đồng đến 01 tỷ đồng/1 năm. Và nếu sản xuất toàn bộ trong nhà màng thì lượng phân thuốc sẽ còn giảm hơn nữa. Từ thực tiễn sản xuất cho thấy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa là rất cần thiết, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, còn giúp người nông dân giảm được chi phí đầu vào sản xuất, giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương, và phải có nhiều thuận lợi trong việc gắn kết chặt chẽ thành chuỗi sản xuất, bảo quản và cung ứng.

Cùng với cơ sở nuôi cấy mô và các trang trại, hàng năm anh cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản đến hàng chục triệu cây hoa. Từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu nhập bình quân của lao động đang làm việc tại các mô hình của anh khá cao, giúp người lao động ổn định cuộc sống, trong đó đối với lao động có trình độ Đại học, Cao đẳng thu nhập đạt từ 07- 08 triệu đồng/01 tháng; lao động phổ thông từ 05 – 06 triệu đồng/01 tháng. Bên cạnh việc cung ứng cho thị trường các loại giống hoa và hoa, anh Trường còn cung cấp các loại vật tư nông nghiệp cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện và các địa phương khác trong cả nước để phục vụ sản xuất.

Thời gian tới đây, đối với mô hình trồng hoa, anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đầu tư hệ thống nhà kính, hệ thống bảo quản, xây dựng thương hiệu để phát triển và nhân rộng mô hình. Đối với cơ sở nuôi cấy mô, anh Trường dự kiến mở rộng cơ sở thành Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt và trong chăn nuôi, cùng với các hộ gia đình trên địa bàn huyện đưa nền sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển bứt phá theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Exit mobile version