Bắt đầu từ 25/12, 8 phố và 3 ngõ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được chọn là khu vực mở rộng cho không gian phố đi bộ, đa số người dân sinh sống trong các khu phố này đều bất ngờ và cảm thấy hơi bất tiện với việc đi lại trong khu vực phố cổ.
Từ tối ngày 25/12, quận Hoàn Kiếm chính thức tổ chức thêm 8 tuyến phố và 3 ngõ đi bộ trong khu phố cổ. Các tuyến phố đi bộ mới này liên thông từ khu vực phía Nam phố cổ kết nối với khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm.
Phạm vi không gian đi bộ mở rộng gồm 8 phố: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu – Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.
Theo UBND Quận Hoàn Kiếm, đây đều là các tuyến phố thuộc khu bảo tồn cấp I, hội đủ yếu tố tương đồng với các tuyến phố đi bộ hiện đang triển khai.
Tại các nút giao thông với khu vực tuyến phố đi bộ sẽ bố trí đặt barie, biển báo cấm đường, biển chỉ dẫn hướng đi cho các phương tiện và biển báo tuyến phố đi bộ; Đồng thời, tại các điểm chốt sẽ bố trí lực lượng trực đảm bảo an toàn giao thông, hướng dẫn phương tiện không đi vào không gian đi bộ.
Theo ghi nhận của PV, tại các điểm chốt chặn phục vụ phố đi bộ mở rộng, nhiều người dân cảm thấy ngỡ ngàng khi lối vào nhà bị chặn và nhiều người dân vẫn còn chưa quen với việc đi lại trong phố cổ.
Tại các điểm chốt chặn, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra giấy tờ. Nếu người dân chứng minh được có nhà trong khu vực phố đi bộ mở rộng sẽ được mang xe máy vào trong.
Anh Nguyễn Hoàng Tùng sinh sống tại số 36 Hàng Cá (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc tổ chức mở rộng thêm phố đi bộ vào cuối tuần khiến cho nhiều tuyến đường sẽ bị ách tắc, người dân sẽ di chuyển khó khăn hơn trong khu vực phố cổ. “Hiện nay dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra khá mạnh nên các du khách nước ngoài cũng hạn chế đến Viêt Nam du lịch trong thời gian này nên việc mở rộng phố đi bộ vẫn chưa hiệu quả và gây ra nhiều bất tiện cho người dân”, anh Tùng cho biết.
Nhiều nguời dân buôn bán trên phố Hàng Đào cho biết, thói quen mua hàng của người dân Việt Nam là “Nhất cận thị, nhị cận giang” giờ phải thay đổi để đi bộ mua hàng khiến nhiều người cảm thấy bất tiện và việc buôn bán của các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng khá nhiều.
Anh Ngô Xuân Đại sinh sống tại khu vực Hàng Bạc cho hay, nên có các biện pháp phân biệt để giúp người dân trong khu vực phố đi bộ đi lại thuận lợi hơn. “Tôi nghĩ lực lượng chức năng nên tiến hành dán giấy hoặc phát thẻ cho những người dân trong khu vực bị cấm xe để họ có thể dễ dang di chuyển về nhà hoặc nơi buôn bán của mình”, anh Đại chia sẻ.
Anh Trịnh Trần Tây (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng việc gia tăng các tuyến phố đi bộ có thể làm tặng áp lực giao thông lên các tuyến phố khác và dễ dàng gây ra tắc đường trong khu vực phố cổ.
Việc cấm các phương tiện đi vào khu vực mở rộng phố đi bộ từ thứ 6 đến chủ nhật đã khiến cho nhiều tuyến phố xung quanh gia tăng áp lực về giao thông.
Khác với các tuyến phố đi bộ trước đây trong phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm không sắp xếp các hộ kinh doanh dưới lòng đường, chỉ bố trí một số ít xe chuyên dụng bán hàng ăn nhanh, nước uống… tại một số ngã ba, ngã tư phục vụ người dân và du khách.